top of page

​Đăng ký tài khoản để nhận thông báo ngay khi có bài mới!

5 bước xây dựng portfolio UX hiệu quả cho người mới

Xây dựng #portfolio cá nhân hiệu quả, hấp dẫn với các đơn vị tuyển dụng và khách hàng tiềm năng luôn là một trong những thách thức lớn nhất mà các bạn làm #thiếtkếUX chưa có hoặc ít kinh nghiệm phải đối mặt!


Làm thế nào để xây dựng portfolio UX đủ tốt và có tính cạnh tranh khi bạn hoàn toàn là một tấm chiếu mới? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau đi tìm câu trả lời thông qua các nội dung sau:

  • Hiểu rõ bản thân và yêu cầu của thị trường

  • Lập kế hoạch xây dựng portfolio UX hiệu quả

  • Tìm kiếm dự án cho portfolio của bạn

  • Học từ chuyên gia: 5 mẫu portfolio UX để bạn tham khảo

  • Xây dựng thương hiệu cá nhân và kết nối

Hiểu rõ bản thân và yêu cầu của thị trường

Bắt đầu tìm hiểu thị trường việc làm UX, không ít bạn cảm thấy choáng ngợp và mông lung với hàng loạt các vị trí và chức danh khó hiểu.


Trước khi bắt tay vào xây dựng portfolio UX, trước tiên cần hiểu rõ mình muốn chinh phục vị trí nào. Hãy cùng điểm qua một số chức danh và mô tả công việc UX cho sản phẩm số thường gặp dưới đây.


UX designer

Xây dựng portfolio UX - UX designer
Photo by Alvaro Reyes on Unsplash

Một số tên gọi khác: Interaction designer, UI/UX designer, Experience designer


Nếu dùng Design Thinking Framework làm hệ quy chiếu, công việc của UX designer gồm 05 bước: Empathize (Đồng cảm), Define (Xác định vấn đề), Ideate (Lên ý tưởng), Prototype (Xây dựng bản mẫu) và Test (Kiểm thử).


Nội dung công việc:

  • Nghiên cứu người dùng, phân tích kết quả nghiên cứu, xác định khó khăn của người dùng

  • Xây dựng và lựa chọn ý tưởng giải quyết khó khăn của người dùng, đồng thời tạo giá trị cho doanh nghiệp hoặc tổ chức

  • Phác thảo, xây dựng wireframe, prototype cho ý tưởng đã chọn

  • Kiểm tra tính khả dụng của thiết kế, thúc đẩy các giải pháp thiết kế mang lại lợi ích cho cả công ty và người dùng

Kỹ năng cơ bản cần có:

  • Thành thạo các công cụ tạo thiết kế trực quan như Figma, Adobe XD, Sketch, Photoshop hay Illustrator

  • Thành thạo kỹ năng tạo wireframe, prototype, mockup và luồng người dùng

  • Nắm vững các nguyên lý thiết kế, lý thuyết màu sắc, bố cục, sử dụng icons

  • Có kiến thức về kiến trúc thông tin

  • Kỹ năng cộng tác với các nhóm phát triển khác là một điểm cộng

Product designer

Xây dựng portfolio UX - Product designer
Photo by Scott Graham on Unsplash

Một số công ty coi vị trí Product designer là UX designer có kinh nghiệm lâu năm, với khả năng xây dựng lộ trình phát triển sản phẩm bên cạnh những kỹ năng thiết kế UX đã nêu phía trên.


Nội dung công việc:

  • Tất cả các tác vụ được đề cập cho vị trí “UX designer”

  • Lập kế hoạch, lộ trình phát triển sản phẩm

  • Phối hợp với các nhóm phát triển và tiếp thị khác, đảm bảo các thiết kế có thể thực hiện thành công.

Kỹ năng cơ bản cần có:

  • Các kỹ năng của UX designer

  • Tư duy hệ thống, hiểu biết về design systems

  • Tư duy lãnh đạo, khả năng giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định

  • Hiểu biết về lập trình front-end cơ bản (HTML, CSS, Javascript) là một lợi thế

Visual designer

Xây dựng portfolio UX - Visual design
Photo by UX Store on Unsplash

Một số các tên gọi khác: UI designer, Graphic design


Công việc của một Visual designer thuộc bước Prototype trong Design Thinking Framework.


Nội dung công việc:

  • Chuyển đổi các mục tiêu UX thành một tập hợp các thiết kế đẹp, dễ sử dụng và dễ tiếp cận

  • Xây dựng và bảo trì Style guides hoặc thư viện các icons, màu sắc và phông chữ sẽ được sử dụng trong toàn bộ sản phẩm;

  • Áp dụng các nguyên tắc xây dựng thương hiệu vào thiết kế theo hướng phát triển thương hiệu lấy người dùng làm trung tâm

Kỹ năng cơ bản cần có:

  • Nền tảng vững chắc về kiểu chữ, bố cục và nguyên lý thiết kế

  • Kỹ năng thiết kế chuyển động và tương tác động

  • Kỹ năng giao tiếp bằng hình ảnh, văn bản và lời nói

  • Khả năng sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các tác vụ, thông báo tiến độ và đáp ứng đúng thời hạn, kỹ năng thuyết trình và đàm phán là một lợi thế

UX researcher

Xây dựng portfolio UX - UX research
Photo by David Travis on Unsplash

Công việc của một UX researcher bao gồm 03 bước trong Design Thinking Framework: Empathize, Define, và Test.


Nội dung công việc:

  • Lập kế hoạch, thực hiện nghiên cứu người dùng và thu thập dữ liệu thông qua các phương pháp nghiên cứu;

  • Phân tích dữ liệu bạn đã thu thập, đưa ra các đề xuất thiết kế và mục tiêu của sản phẩm

  • Kiểm tra, cải tiến thiết kế thông qua các nghiên cứu đánh giá

Kỹ năng cơ bản cần có:

  • Am hiểu về các phương pháp nghiên cứu người dùng và phân tích dữ liệu

  • Kỹ năng giao tiếp và cộng tác (với người dùng và các nhóm phát triển khác)

  • Khả năng đồng cảm và thấu hiểu kỳ vọng, thất vọng, mục tiêu của người dùng

  • Kỹ năng giải quyết vấn đề

Content Strategist


Một số các tên gọi khác: Copywriter, UX Writer


Công việc của một UX researcher nằm trong bước Prototype.


Nội dung công việc:

  • Nghiên cứu từ khóa, tóm tắt nội dung, xem xét và đảm bảo nội dung đã xây dựng đáp ứng các yêu cầu trong chiến lược phát triển thương hiệu

  • Viết nội dung, tiêu đề, menu, các thông báo thành công hoặc báo lỗi, cũng như các thông báo khác cho giao diện giúp người dùng điều hướng, sử dụng và khắc phục sự cố sản phẩm một cách dễ dàng, trực quan, dễ chịu

  • Tạo các email và bản tin hiệu quả, đạt mục tiêu sản phẩm (chẳng hạn như tăng tỉ lệ đăng ký tài khoản hoặc mua các gói sản phẩm);

  • Viết câu chuyện gắn kết xuyên suốt sản phẩm, tạo trải nghiệm nhất quán

  • Xác định và duy trì tầm nhìn về ngôn ngữ và văn phong của sản phẩm

Kỹ năng cơ bản cần có:

  • Kỹ năng viết mạch lạc, ngắn gọn, dễ hiểu.

  • Khả năng truyền tải nội dung bằng tiếng nói thương hiệu và giọng điệu phù hợp

  • Hiểu biết các nguyên tắc cơ bản về nghiên cứu người dùng và quy trình thiết kế UX

  • Khả năng đồng cảm với người dùng, cung cấp sự hỗ trợ và rõ ràng với mọi thông điệp

Trên đây là 5 vị trí nghề nghiệp UX thường gặp. Để xây dựng portfolio UX hiệu quả, trước tiên hãy dành thời gian suy nghĩ, trả lời các câu hỏi sau.

  • Bạn muốn xây dựng portfolio cho vị trí nào?

  • Điểm mạnh của bạn là gì?

  • Những điểm nào bạn cần cải thiện để đạt được vị trí đó?

  • Nếu bạn là người chuyển ngành, kinh nghiệm trước đây hỗ trợ như thế nào cho vị trí bạn đang hướng đến?

Sau khi trả lời được các câu hỏi phía trên, chúng ta hãy chuyển tiếp sang bước 2 - Lập kế hoạch.


Lập kế hoạch xây dựng portfolio UX hiệu quả

Xây dựng portfolio UX hiệu quả cần đầu tư rất nhiều thời gian, có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm. Việc lập kế hoạch giúp quản lý thời gian hiệu quả hơn.


Khi đặt mục tiêu, đừng mơ hồ! Để mục tiêu rõ ràng nhất có thể, mình gợi ý áp dụng quy tắc SMART.

SMART goals
Photo created by Waewkidja - www.freepik.com

S-Specific / Cụ thể

Mục tiêu cụ thể cần trả lời được các câu hỏi sau:

  • Bạn nhắm tới vị trí nào?

  • Tại sao bạn muốn vị trí này?

  • Bạn nhắm tới công ty nào, thị trường nào?

Ví dụ:

Giả sử bạn là người mới, muốn xin việc UX designer thực tập hoặc chưa có kinh nghiệm. Bạn sẽ đặt mục tiêu như thế nào?


✘✘✘ Đừng: Xây dựng portfolio cho UX designer intern hoặc junior

✓✓✓ Hãy: Tôi muốn xây dựng một portfolio cho vị trí UX designer chưa có kinh nghiệm tại Hà Nội, thể hiện được những kỹ năng về thiết kế UX mà tôi đã học và một số dự án mà tôi đã làm.


M-Measurable / Đo lường được

Để theo dõi được tiến độ, mức độ hoàn thành cũng như tạo động lực khi xây dựng portfolio UX, mục tiêu bạn đặt ra cần phải đo lường được.


Mục tiêu có thể đo lường được trả lời cho các câu hỏi sau:

  • Bao lâu?

  • Bao nhiêu?

  • Khi nào mục tiêu hoàn thành?

Tiếp tục với ví dụ phía trên: Có thể bạn muốn hoàn thành portfolio UX trong 6 tháng, trong portfolio gồm ít nhất 03 dự án mà bạn từng làm. Bên cạnh đó, bạn có thể đặt mục tiêu hoàn thành một số khóa học liên quan đến các kỹ năng cần có cho vị trí UX designer mà bạn đang theo đuổi.


✓✓✓ Tôi muốn hoàn thành portfolio UX của mình trong 6 tháng, bao gồm thời gian 6 tháng hoàn thành khóa học Google UX Design trên Coursera. Trong portfolio, tôi muốn giới thiệu 03 dự án UX mà tôi từng làm.


A-Achievable / Có thể đạt được

Để có thể hoàn thành được portfolio trong 6 tháng thì các mục tiêu nhỏ hơn cần thực tế và khả thi.


Một mục tiêu có thể đạt được thường sẽ trả lời các câu hỏi như:

  • Làm thế nào bạn có thể hoàn thành mục tiêu này?

  • Mục tiêu có khả thi không, dựa trên một số tiêu chí như thời gian hoặc tài chính?

Phân tích tiếp ví dụ ở trên, có thể có một số giới hạn về thời gian và tài chính cần cân nhắc như sau:

  • Hoàn thành portfolio trong 6 tháng: Thời gian này bao gồm hoàn thành những đầu việc nào? Thời gian cho mỗi đầu việc là bao lâu? Bạn có khả năng hoàn thành các đầu việc này trong thời gian dự định không?

  • Hoàn thành khóa học Google UX Design trong 6 tháng: Khóa học này gồm 7 khóa nhỏ. Bạn sẽ sắp xếp thời gian biểu thế nào để hoàn thành khóa học này trong 6 tháng? Bạn có đủ kinh phí tham gia học và lấy chứng chỉ này không? Nếu không nhưng bạn vẫn muốn học, bạn sẽ cần thay đổi hoặc tìm phương án B nào?

  • Giới thiệu 03 dự án: Bạn đã có dự án nào chưa? Nếu chưa, bạn có thể tìm dự án UX cho portfolio của mình ở đâu?

R-Relevant / Phù hợp, có liên quan

Hãy nhớ rằng bạn bị chi phối bởi rất nhiều tác vụ và mục tiêu khác nhau cùng lúc, chẳng hạn bạn có thể đang đặt mục tiêu giảm lượng mỡ máu về mức an toàn trong thời gian bạn muốn hoàn thành portfolio. Vậy cần cân nhắc liệu việc xây dựng portfolio có ảnh hưởng tới sức khoẻ của bạn?


Đối với ví dụ trên, để xây dựng mục tiêu phù hợp, bạn cần suy nghĩ và trả lời những câu hỏi sau:

  • Bạn có phù hợp với vị trí UX designer không?

  • Vị trí UX designer có thể mang lại nhiều cơ hội phát triển cho bạn không?

  • Đây có phải là thời điểm thích hợp để tạo portfolio?

  • Việc tạo portfolio có ảnh hưởng tới các mục tiêu khác không, có thể xếp thứ tự ưu tiên hơn không?

T-Time bound / Phân đoạn thời gian thực hiện

Mọi mục tiêu muốn thành công cần phải có thời gian đo lường cụ thể. Tuy vậy, nếu đặt mục tiêu quá lớn, cần thời gian dài để hoàn thành, sẽ khiến chúng ta mệt mỏi, dễ bỏ cuộc.


Mình khuyến khích các bạn chia nhỏ mục tiêu thành các chặng, các mốc nhỏ. Điều này giúp chúng ta tăng sự tập trung, có cảm giác hoàn thành và hưng phấn hơn.


Bạn có thể chia khung thời gian linh hoạt. Mình thường sẽ chia theo khung năm - quý - tháng - tuần - ngày - giờ.


Trở về với ví dụ chúng ta đang phân tích. Bạn có thể cần trả lời các câu hỏi sau để chia nhỏ mục tiêu xây dựng portfolio UX designer trong sáu tháng.

  • Bạn có thể làm gì trong sáu tháng kể từ bây giờ?

  • Bạn có thể làm gì trong sáu tuần kể từ bây giờ?

  • Bạn có thể làm gì tuần này?

  • Bạn có thể làm gì hôm nay?

Tìm kiếm dự án cho portfolio của bạn

Bạn cần ít nhất từ 2-3 dự án khi xây dựng portfolio UX. Thực ra chẳng có công ty hay tổ chức nào quy định cụ thể về số lượng dự án hay case study bạn cần mô tả trong portfolio cả. Nhưng nếu portfolio của bạn chỉ mô tả một dự án lẻ loi, có lẽ không nhiều nhà tuyển dụng chú ý đến bạn.

Nếu bạn tham gia các lớp học, khoá học UI/ UX trên thị trường, cả offline và online, ắt hẳn bạn đã có một vài dự án giả lập. Tuy nhiên, để tăng cơ hội lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng mơ ước, những dự án thực chiến sẽ cho bạn cái nhìn sâu hơn về quá trình làm sản phẩm thực tế. Mình cũng tin rằng khi viết về trải nghiệm thực tế, câu chuyện của bạn sẽ thuyết phục hơn rất nhiều.


Tìm dự án thực chiến ở đâu?

  • Cơ hội thực tập tại các công ty vừa và nhỏ: Cái này bạn cứ hỏi chị Google giúp đỡ. Xác định là làm trong công ty bé, bạn có thể phải làm rất nhiều công việc cùng lúc, thậm chí có những việc không liên quan lắm đến vị trí thực tập! Tuy nhiên, lời khuyên của mình là hãy lăn xả! Cái bạn cần tại thời điểm này là kinh nghiệm hơn là thu nhập.

  • Các dự án tình nguyện remote: Thế giới ngày một phẳng! Ngày càng nhiều cơ hội cho chúng ta làm việc remote. Nếu bạn có thể giao tiếp, đọc hiểu được bằng tiếng Anh, đó là một lợi thế lớn. Tham khảo hai trang web cho phép bạn đăng ký và tìm kiếm các dự án UX cần tình nguyện viên dưới đây.


Học từ chuyên gia: 5 mẫu portfolio xịn xò

Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ chia sẻ 5 mẫu portfolio mình ấn tượng tương ứng với 5 vị trí công việc UX mình đã chia sẻ ở trên.

  • Portfolio UX designer: Nicola Petrie - UX designer @BCA Marketplace

  • Portfolio Product designer: Gloria Lo - Product designer @Canva

  • Portfolio Visual designer: Jeremiah Shaw - Artist/ Designer @Apple

  • Portfolio UX researcher: Mikey - UX researcher @Facebook

  • Portfolio Content strategist: Andrew Schmidt - UX writer @Figma

Khi tham khảo các mẫu portfolio trên, hãy chú ý tới cách chuyên gia giới thiệu bản thân, mô tả các dự án, các case studies họ từng làm, phong cách thiết kế, văn phong sử dụng. Từ đó định hình cho portfolio của bạn.


Bố cục cơ bản của portfolio thường gồm các phần:

  • Giới thiệu bản thân, nghề nghiệp, sở thích

  • Giới thiệu công việc, dự án, case studies đã tham gia

  • Liên hệ gồm thông tin email, mạng xã hội như Linkedin, Instagram, Behance, Dribble, …

Xây dựng thương hiệu cá nhân và kết nối

Có lẽ bạn đang thắc mắc việc xây dựng thương hiệu cá nhân và kết nối liên quan gì tới xây dựng portfolio UX? Có chứ! Nếu bạn là người mới hoặc chuyển ngành, hình ảnh của bạn trong ngành khá mờ nhạt, các mối quan hệ trong ngành có lẽ cũng hạn chế. Việc kết nối, mở rộng quan hệ sẽ tăng cơ hội giúp bạn học hỏi từ những người đi trước.

Xây dựng portfolio UX hiệu quả - Networking
Photo by NordWood Themes on Unsplash

Để tăng độ tín nhiệm và tầm ảnh hưởng, việc xây dựng thương hiệu cá nhân liên quan tới lĩnh vực mà bạn muốn hướng đến cũng rất quan trọng. Bạn muốn có hình ảnh như thế nào trong mắt những người cùng ngành và nhà tuyển dụng? Hãy suy nghĩ thật kỹ về điều đó!


Bạn không chỉ xây dựng portfolio UX một lần duy nhất. Có thể bạn sẽ muốn hoặc cần update thông tin khi chuyển công ty, khi thăng tiến hoặc khi tìm cơ hội phát triển ở một đất nước khác. Việc kết nối với nhiều chuyên gia trong nghề sẽ giúp bạn cập nhật thông tin nhanh hơn, tiếp nhận góc nhìn đa chiều hơn từ các môi trường làm việc khác nhau. Bạn cũng có thể chủ động liên hệ, xin lời khuyên từ các chuyên gia để xây dựng portfolio UX hiệu quả hơn.


Tổng kết

Trên đây, mình đã giới thiệu 5 bước bản thân mình đã và đang thực hiện trong quá trình xây dựng portfolio UX.


Cho dù bạn là người mới hay đã có kinh nghiệm, portfolio là một trong những điểm chạm thương hiệu cá nhân của bạn với đối tác mục tiêu mà bạn muốn tiếp cận, bao gồm cả khách hàng tiềm năng lẫn nhà tuyển dụng.


Tuy vậy, xây dựng portfolio UX khác biệt và có tính cạnh tranh đòi hỏi đầu tư thời gian, sức lực và sáng tạo. Chuẩn bị tốt ngay từ những bước đi đầu tiên sẽ tạo cho bạn tâm lí tự tin, chủ động.


Khi xây dựng portfolio nói chung và xây dựng portfolio UX nói riêng, hãy luôn đặt mục tiêu trở thành một người có thể đóng góp và tạo dựng giá trị cho tổ chức nhiều hơn là một người chỉ đơn thuần đi xin việc. Biết nhận và học cách cho đi sẽ giúp bạn phát triển và thành công.


Have fun and good luck!


Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page