top of page

​Đăng ký tài khoản để nhận thông báo ngay khi có bài mới!

Tóm tắt và review sách “Laws of UX”: những quy tắc tâm lý có thể áp dụng trong thiết kế UX

Đã cập nhật: 4 thg 10, 2022


Tóm tắt và giới thiệu sách Laws of UX những quy tắc tâm lý trong thiết kế UX

Nội dung bài viết:


Vài nét giới thiệu sách Laws of UX và tác giả


Laws of UX (Tạm dịch: Các định luật trong thiết kế trải nghiệm người dùng), xuất bản và chỉnh lý lần đầu vào năm 2020, được viết bởi Jon Yablonski - Product Designer tại Mixpanel, một nền tảng cung cấp giải pháp phân tích dữ liệu sản phẩm số tại Detroit, Hoa Kỳ.


Laws of UX tổng hợp 10 định luật, quy tắc và hiệu ứng tâm lý học hành vi cũng như tâm lý học nhận thức có thể áp dụng trong thiết kế UX đối với sản phẩm và dịch vụ số.


Theo tác giả chia sẻ, các nguyên tắc này khá hữu dụng khi cần đưa ra quyết định thiết kế, hoặc thuyết phục các bên liên quan, đặc biệt khi không có hoặc thiếu cơ sở phân tích dữ liệu người dùng.


Sách Laws of UX dành cho ai?


Cùng quan điểm với tác giả, mình nghĩ cuốn sách này phù hợp với các đối tượng sau:

  • Những người muốn tìm hiểu tương quan giữa thiết kế và tâm lý học, tạo cơ sở cho các quyết định thiết kế,

  • Những người mong muốn thuyết phục các bên liên quan khi đề xuất, thuyết trình các phát kiến thay đổi,

  • Những người thấy tò mò và muốn học thêm về tâm lý học hành vi, tâm lý học nhận thức trong thiết kế trải nghiệm người dùng.

Nội dung cuốn sách, theo mình, tương đối dễ tiếp cận đối với những bạn đã có kiến thức cơ bản về thiết kế UX, nắm được các khái niệm như xây dựng Personas, Journey map, hay Card sorting, vân vân.


Đối với những bạn hoàn toàn chưa biết gì, cuốn sách có thể hơi nhiều thông tin quá mức cần thiết. Tuy vậy, nếu muốn, bạn vẫn có thể dùng để tham khảo kết hợp với việc học kiến thức cơ bản.


Review và Tóm tắt nội dung sách Laws of UX


Mình đánh giá 4/5 sao cho cuốn sách này bởi các lý do sau:

  • Bố cục nội dung tương đối dễ tiếp cận, gồm các phần: Trọng điểm - Tổng quan - Ví dụ - (Kỹ thuật) - Thảo luận - Tổng kết

  • Phần ví dụ minh hoạ khá trực quan, dễ hình dung

  • Ngôn ngữ khá gần gũi, không quá hàn lâm

  • Tác giả nhìn nam tính

  • Trừ 1 điểm vì có quá ít màu hồng

Tóm tắt và review sách “Law of UX”: những quy tắc tâm lý có thể áp dụng trong thiết kế UX tuhocuiux.com

Hãy cùng mình điểm qua những nội dung chính của sách sau đây.


Nội dung sách “Laws of UX” gồm 12 chương:


Định luật Jacob - Jacob's Law

Người dùng mong muốn trang của bạn hoạt động tương tự như các dịch vụ khác mà họ đã và đang sử dụng.

Jacob's Laws tóm tắt và tổng hợp bởi tuhocuiux.com
Định luật Jacob - Nguồn: https://lawsofux.com/en/jakobs-law/

Là người làm thiết kế, một trong những mục tiêu chúng ta hướng tới là giúp người dùng thực hiện tác vụ nhanh chóng và dễ dàng nhất có thể. Sự quen thuộc trong thiết kế khiến khách hàng có thể tương tác ngay với sản phẩm và dịch vụ chúng ta cung cấp, thông qua điều hướng, tìm kiếm nội dung dựa vào các dấu hiệu trực quan sẵn có.


Để ứng dụng định luật Jacob hiệu quả, tác giả giới thiệu kĩ thuật xây dựng Personas nhằm hỗ trợ xác định tập khách hàng mục tiêu, đưa ra các quyết định thiết kế dựa trên nhu cầu thực sự, chứ không phải nhu cầu của “người dùng chung chung" một cách mơ hồ.


Ý chính:

  • Người dùng sẽ chuyển những kỳ vọng mà họ sẵn có xung quanh một sản phẩm quen thuộc sang một sản phẩm khác tương tự.

  • Bằng cách tận dụng các mô hình tư duy (thuật ngữ tiếng Anh: mental model) đã hình thành trước đó, chúng ta có thể tạo ra trải nghiệm người dùng vượt trội, trong đó người dùng chỉ cần tập trung thực thi các tác vụ để đạt mục tiêu, hơn là phải làm quen và học cách sử dụng một mô hình mới.

Để làm rõ hai ý chính trên, tác giả có đưa ra ví dụ về cách các trang web thương mại điện tử tận dụng các mô hình tư duy sẵn có từ việc mua sắm thực tế của khách hàng trước đó gồm các bước chọn sản phẩm, thêm vào giỏ hàng và thanh toán khiến toàn bộ quá trình mua sắm trực tuyến trở nên thoải mái và quen thuộc hơn.

  • Khi thực hiện thay đổi, hãy giảm thiểu bất hòa bằng cách cho phép người dùng tiếp tục sử dụng phiên bản quen thuộc trong một thời gian giới hạn.

Tác giả đưa ra ví dụ về cách Google trao quyền lựa chọn cho người dùng khi ra mắt phiên bản YouTube mới vào năm 2017, cho phép người dùng máy tính để bàn dễ dàng truy cập vào giao diện Material Design mới mà không có ràng buộc nào.


Người dùng có thể xem trước thiết kế mới, làm quen, gửi phản hồi và thậm chí hoàn nguyên về phiên bản cũ nếu họ thích. Sự bất hòa về mô hình tư duy đã được giảm thiểu bằng cách trao quyền cho người dùng chuyển đổi khi họ sẵn sàng.

Laws of UX tổng hợp và tóm tắt bởi tuhocuiux.com
So sánh trước (trái) và sau (phải) thay đổi thiết kế giao diện YouTube vào năm 2017 (nguồn: YouTube)

Sẽ có nhiều bạn thắc mắc nếu tất cả đều giống hoặc tương đương nhau, đâu còn sự khác biệt để cạnh tranh? Đó là một thắc mắc hợp lý! Tuy nhiên, hãy hiểu và ứng dụng một cách linh hoạt!


Với định luật Jacob, tác giả gợi ý hãy luôn bắt đầu với các quy ước và khuôn mẫu chung để tận dụng các mô hình tư duy có sẵn của tập khách hàng mục tiêu. Nếu chúng ta đi theo con đường khác thường, hãy nhớ thử nghiệm thiết kế với người dùng để đảm bảo họ hiểu cách hoạt động của thiết kế.


Định luật Fitts (Fitts’s Law)

Thời gian để người dùng tương tác với một đối tượng ảnh hưởng bởi kích thước của đối tượng và khoảng cách đến đối tượng.

Hiểu nôm na là, đối tượng càng to càng gần thì thời gian chạm tới đối tượng càng ngắn, đồng thời độ chính xác khi tương tác cũng tăng lên. Ngược lại, đối tượng ở càng xa càng nhỏ, thì thời gian tương tác tới đối tượng càng dài, đồng thời độ chính xác cũng giảm đi.

Fitts’s Law tóm tắt và tổng hợp bởi tuhocuiux.com
Định luật Fitts - Nguồn: https://lawsofux.com/en/fittss-law/

Một thiết kế tốt cần dễ hiểu, dễ điều hướng, ít tốn thời gian và công sức để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, bên cạnh các đặc điểm cơ thể khác nhau của người dùng, sự đa dạng của các thiết bị ngày nay cũng góp phần khiến việc đảm bảo tính khả dụng của thiết kế gặp nhiều thách thức hơn.


Áp dụng định luật Fitts, theo tác giả, có thể hỗ trợ xác định kích thước, định vị các đối tượng cần tương tác một cách thích hợp, đảm bảo người dùng có thể dễ dàng lựa chọn đối tượng chính xác.


Ý chính:

  • Mục tiêu tương tác phải đủ lớn để người dùng chọn chính xác.

  • Cần đảm bảo khoảng cách đủ rộng giữa các mục tiêu tương tác.

  • Các mục tiêu tương tác phải được đặt tại khu vực giúp người dùng dễ dàng chạm tới.


Thế nào là đủ lớn, đủ rộng và khu vực nào là khu vực dễ dàng chạm tới? Tác giả có chia sẻ một số thông tin hữu ích dưới đây:

Tổ chức

Độ lớn nhỏ nhất của mục tiêu

Human Interface Guidelines (Apple)

44 × 44 pt

Material Design Guidelines (Google)

48 × 48 dp

Web Content Accessibility Guidelines (WCAG)

44 × 44 CSS px

Nielsen Norman Group

1 × 1 cm

Theo Material Design Guidelines của Google, để đảm bảo cân bằng giữa mật độ thông tin và tính khả dụng, các mục tiêu tương tác nên được cách nhau 8 dp trở lên.


Theo nghiên cứu của Steven Hoober, mọi người thích xem và chạm vào trung tâm màn hình điện thoại thông minh, và đây là nơi có độ chính xác cao nhất. Họ cũng có xu hướng tập trung vào giữa màn hình, trái ngược với việc quét từ phía trên bên trái sang phía dưới bên phải như thường thấy trên các thiết bị máy tính để bàn.


Định luật Hick (Hick’s Law)

Thời gian để đưa ra quyết định tỉ lệ thuận với số lượng và độ phức tạp của các lựa chọn có sẵn.
Hicks Law Tổng hợp và tóm tắt bởi tuhocuiux.com
Định luật Hick - Nguồn: https://lawsofux.com/en/hicks-law/

Ý chính:

  • Giảm thiểu các lựa chọn nhằm tối ưu thời gian quyết định

  • Chia các nhiệm vụ phức tạp thành các bước nhỏ hơn để giảm tải nhận thức

  • Tránh khiến người dùng quá tải bởi việc làm nổi bật nhiều tùy chọn đề xuất

  • Giảm tải nhận thức cho người dùng mới bằng cách cho phép người dùng sử dụng dần dần từng bước

  • Hãy cẩn thận để không đơn giản hóa đến mức trừu tượng

Cứ tưởng tượng bộ não của chúng ta hoạt động như bộ nhớ của máy tính; nếu lượng thông tin vượt qua dung lượng bộ nhớ, bộ não sẽ bị quá tải.


Tác giả đưa ra một ví dụ mình thấy khá thú vị và phổ biến: thiết kế chiếc điều khiển từ xa TV. Không ít bạn trong số chúng ta đã quen thuộc với hình ảnh chiếc điều khiển chằng chịt nút bấm, khiến không ít các thế hệ ông bà, cha mẹ đau đầu. Chúng ta có thực sự cần dùng đến chừng ấy nút bấm? Dưới đây là hình ảnh tối giản giao diện chiếc điều khiển từ xa huyền thoại.

Tối giản giao diện điều khiển từ xa - Laws of UX tổng hợp và tóm tắt bởi tuhocuiux.com
Tối giản giao diện điều khiển từ xa - Laws of UX

Quả thực số lượng lựa chọn tác động lớn đến thời gian người dùng đưa ra quyết định. Quá nhiều lựa chọn dẫn tới quá tải. Quá ít lựa chọn lại khiến người dùng khó khăn khi tìm kiếm thông tin mong muốn. Do đó, tác giả chia sẻ một phương pháp đặc biệt hữu ích trong kiến trúc thông tin nhằm xác định kỳ vọng của người dùng: phân loại thẻ (card sorting).


Trong phạm vi bài viết này mình không đi sâu vào khái niệm và kĩ thuật phân loại thẻ. Bạn có thể tham khảo các bài viết khác thông qua tìm kiếm Google hoặc chờ đón trong loại bài viết sau của mình.


Định luật Miller (Miller’s Law)

Một người bình thường chỉ có thể giữ 7 (± 2) mục trong bộ nhớ ngắn hạn.
Miller’s Law tổng hợp và tóm tắt bởi tuhocuiux.com
Định luật Miller - Nguồn: https://lawsofux.com/en/millers-law/

Định luật Miller tập trung vào những hạn chế của trí nhớ ngắn hạn và cách chúng ta có thể tối ưu hóa nó thông qua việc sắp xếp các nhóm thông tin thành từng phần có ý nghĩa. Giới hạn của số lượng nhóm thông tin này có thể sẽ khác nhau, tuỳ vào từng cá nhân, dựa trên kiến thức, bối cảnh của họ về thông tin. Số 7 ở trên chỉ là mức trung bình, thậm chí có nghiên cứu còn cho thấy giới hạn trung bình thấp hơn những gì nghiên cứu của Miller đã xác định.


Do vậy, chúng ta nên lưu ý tránh việc đưa ra giới hạn một cách máy móc ví dụ như số lượng các mục điều hướng bắt buộc phải được giới hạn không quá bảy, vân vân. Đó là một ứng dụng thiếu chính xác.


Ý chính:

  • Không nên lấy “số bảy thần thánh" để giải thích cho những giới hạn thiết kế không cần thiết

  • Phân đoạn nội dung thành các phần nhỏ hơn để giúp người dùng xử lý, hiểu và ghi nhớ một cách dễ dàng

  • Dung lượng bộ nhớ ngắn hạn thay đổi theo từng cá nhân, dựa trên kiến thức trước đó cũng như bối cảnh tình huống của họ

Khả năng ghi nhớ của con người là có hạn và việc chia nhỏ giúp chúng ta lưu giữ thông tin hiệu quả hơn.

Ví dụ, bạn thấy A hay B dễ nhớ hơn?


A: 0945742501

B: 0945 - 742 - 501


Đương nhiên là B, phải không? Không có các tín hiệu chia nhỏ, số điện thoại là một dãy số dài khá khó nhớ. Bằng việc phân nó thành 3 phần như trên dãy số dài đã trở thành các đoạn số ngắn hơn, dễ nhớ hơn.


Tương tự hãy quan sát hai đoạn văn dưới đây. A hay B dễ đọc hơn?


Đoạn A: (Nguồn: https://www.lipsum.com/)

Lorem Ipsum is simply dummy text of the printing and typesetting industry. Lorem Ipsum has been the industry's standard dummy text ever since the 1500s, when an unknown printer took a galley of type and scrambled it to make a type specimen book. It has survived not only five centuries, but also the leap into electronic typesetting, remaining essentially unchanged. It was popularised in the 1960s with the release of Letraset sheets containing Lorem Ipsum passages, and more recently with desktop publishing software like Aldus PageMaker including versions of Lorem Ipsum. It is a long established fact that a reader will be distracted by the readable content of a page when looking at its layout. The point of using Lorem Ipsum is that it has a more-or-less normal distribution of letters, as opposed to using 'Content here, content here', making it look like readable English. Many desktop publishing packages and web page editors now use Lorem Ipsum as their default model text, and a search for 'lorem ipsum' will uncover many web sites still in their infancy. Various versions have evolved over the years, sometimes by accident, sometimes on purpose (injected humour and the like).


Đoạn B:

What is Lorem Ipsum?

Lorem Ipsum is simply dummy text of the printing and typesetting industry. Lorem Ipsum has been the industry's standard dummy text ever since the 1500s, when an unknown printer took a galley of type and scrambled it to make a type specimen book. It has survived not only five centuries, but also the leap into electronic typesetting, remaining essentially unchanged. It was popularised in the 1960s with the release of Letraset sheets containing Lorem Ipsum passages, and more recently with desktop publishing software like Aldus PageMaker including versions of Lorem Ipsum.


Why do we use it?

It is a long established fact that a reader will be distracted by the readable content of a page when looking at its layout. The point of using Lorem Ipsum is that it has a more-or-less normal distribution of letters, as opposed to using 'Content here, content here', making it look like readable English. Many desktop publishing packages and web page editors now use Lorem Ipsum as their default model text, and a search for 'lorem ipsum' will uncover many web sites still in their infancy. Various versions have evolved over the years, sometimes by accident, sometimes on purpose (injected humour and the like).


Bằng việc chia thông tin thành từng đoạn, thay đổi kích cỡ của tiêu đề và nội dung văn bản, bôi đậm thông tin quan trọng, người dùng dễ dàng hiểu được phân cấp thông tin, giúp việc đọc và tìm thông tin dễ dàng hơn.


Định luật Postel (Postel’s Law)

Định luật Postel, còn được gọi là nguyên tắc tính bền (robustness principle), cung cấp cho chúng ta một nguyên tắc chỉ đạo để thiết kế trải nghiệm lấy con người làm trung tâm, bao gồm cả quy mô lẫn độ phức tạp.


Định luật Postel gồm hai vế: (1) Giữ tính ổn định khi thiết kế và (2) linh hoạt tiếp nhận người dùng.

Trong phạm vi thiết kế, ổn định ở (1) có thể hiểu là thiết kế chúng ta tạo ra cần đáng tin cậy (reliable) và có thể truy cập được (accessible). Trong khi đó linh hoạt ở (2) có thể được hiểu là sự cho phép nhận thông tin từ người dùng thông qua mọi cơ chế đầu vào và bằng nhiều định dạng khả thi khác nhau.

Postel’s Law tóm tắt và tổng hợp bởi tuhocuiux.com
Định luật Postel - Nguồn: https://lawsofux.com/en/postels-law/

Ý chính:

  • Đồng cảm, linh hoạt và khoan dung với bất kỳ hành động nào mà người dùng có thể thực hiện, hoặc bất kỳ thông tin đầu vào nào mà họ có thể cung cấp

  • Tiên lượng mọi khả năng về đầu vào, quyền truy cập và năng lực người dùng khi cung cấp một giao diện đáng tin cậy và dễ tiếp cận

  • Tiên lượng và lập kế hoạch trong thiết kế càng kĩ lưỡng thì thiết kế càng có khả năng phục hồi

  • Chấp nhận đa dạng đầu vào từ người dùng, chuyển đổi đầu vào đó đáp ứng yêu cầu của bạn, xác định ranh giới cho đầu vào và cung cấp phản hồi rõ ràng cho người dùng

Tác giả đưa ra một vài ví dụ tiêu biểu về ứng dụng định luật Postel trong cả thiết kế giao diện lẫn quy trình làm thiết kế, như responsive design, design system, cỡ font mặc định, vân vân. Trong đó, mình thấy ví dụ gần gũi và dễ hiểu nhất cho các bạn mới bắt đầu là thiết kế forms.


Áp dụng định luật Postel vào việc tạo form, bạn cần chú ý giới hạn trường nhập thông tin. Hãy suy nghĩ xem thông tin nào thực sự cần thiết, cần bắt buộc người dùng nhập vào; thông tin nào đã có sẵn, không cần người dùng nhập thêm nữa chẳng hạn như email, mật khẩu, vân vân. Càng yêu cầu nhiều, người dùng càng phải tốn thời gian và công sức dẫn đến việc mất đi hứng thú hoàn thành form. Ví dụ này minh hoạ tốt cho vế (1) - xây dựng thiết kế ổn định.


Ngoài ra, tác giả còn đưa ra ví dụ thứ hai minh hoạ khá tốt, dễ hiểu cho vế (2): Chức năng mở khoá iPhone thông minh: Người dùng có thể nhập mật khẩu hoặc mở khoá thông qua nhận diện khuôn mặt. Hay nói cách khác, hệ thống lúc này chấp nhận đa dạng đầu vào từ người dùng.


Ví dụ minh hoạ Postel Law tuhocuiux.com
Nguồn: Sách Laws of UX

Tóm lại, định luật Postel có thể giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách giữa con người và máy móc thông qua các thiết kế linh hoạt, tiếp nhận đa dạng dữ liệu đầu vào, chuyển dịch chúng thành dữ liệu thân thiện với máy móc, giảm gánh nặng cho người dùng, mang lại trải nghiệm "người" hơn.


Nhờ đó, chúng ta có thể xây dựng các sản phẩm và dịch vụ mạnh mẽ, thích ứng phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về cả quy mô lẫn độ phức tạp. Mặc dù điều đó đồng nghĩa với cơ hội xảy ra lỗi nhiều hơn, nhưng chúng ta có thể lường trước và lập kế hoạch cho điều này trong thiết kế và do đó đảm bảo thiết kế có khả năng phục hồi tốt hơn.


Quy luật đỉnh-kết (Peak-End Rule)

Người dùng đánh giá một trải nghiệm chủ yếu dựa trên những cảm xúc cực đoan và khi kết thúc trải nghiệm thay vì dựa trên toàn bộ hoặc trung bình cộng của tất cả các thời điểm trải nghiệm.
Peak-End Rule tóm tắt và tổng hợp bởi tuhocuiux.com
Quy luật đỉnh-kết - Nguồn: https://lawsofux.com/en/peak-end-rule/

Ý chính:

  • Chú trọng những điểm "căng cực" (cả tích cực lẫn tiêu cực) và khoảnh khắc cuối của hành trình người dùng.

  • Tìm ra điểm mà sản phẩm của bạn hữu ích nhất, có giá trị nhất hoặc mang tính giải trí nhất, và thiết kế để làm hài lòng người dùng cuối.

  • Hãy nhớ rằng con người nhớ những trải nghiệm tiêu cực rõ ràng hơn những trải nghiệm tích cực.

Để hiểu quy luật đỉnh-kết hơn, tác giả giới thiệu khái niệm cognitive bias - thiên kiến nhận thức trong tâm lý học.


Một trong những ví dụ tác giả đưa ra khá gần gũi với các dịch vụ chúng ta dùng hàng ngày đó là thời gian chờ đợi. Thời gian chờ đợi có thể có ảnh hưởng rất lớn đến cách mọi người cảm nhận về một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Minh hoạ cho quy tắc đỉnh kết tuhocuiux.com
Nguồn: sách Laws of UX

Uber cung cấp thông tin hành trình rất rõ ràng như thời gian dự kiến hoàn thành một trải nghiệm và cách tính toán quãng thời gian này nhờ việc cung cấp thông tin về quá trình trải nghiệm (đang làm gì, ở vị trí nào, từ mấy giờ tới mấy giờ, vân vân). Điều này đã giúp giảm tỉ lệ huỷ và tránh tạo ra các cảm xúc tiêu cực khi trải nghiệm.


Hiệu ứng Thẩm mỹ - Khả dụng (Aesthetic-Usability Effect)

Người dùng thường cảm nhận thiết kế đẹp mắt là thiết kế dễ sử dụng hơn.
Aesthetic-Usability Effect tóm tắt và tổng hợp bởi tuhocuiux.com
Hiệu ứng Thẩm mỹ - Khả dụng - Nguồn: https://lawsofux.com/aesthetic-usability-effect/

Ý chính:

  • Một thiết kế có tính thẩm mỹ sẽ tạo ra phản ứng tích cực trong não bộ của người dùng, khiến họ tin rằng thiết kế thực sự hoạt động tốt hơn.

  • Người ta có thể bỏ qua các vấn đề nhỏ về tính khả dụng của một sản phẩm hoặc dịch vụ khi nó "đẹp".

  • Thiết kế dễ nhìn có thể che đi các vấn đề về tính khả dụng và cản trở việc phát hiện các vấn đề này trong quá trình kiểm tra tính khả dụng.

Ví dụ minh hoạ Thẩm mỹ - Khả dụng
Một số sản phẩm của Apple (trên) và Braun (dưới) - Nguồn: Sách Laws of UX

Apple và Braun là hai trong những thương hiệu luôn chú trọng đến các thiết kế tinh gọn, dễ nhìn và (có cảm giác) dễ dùng.


Tác giả có đưa ra một ví dụ khá thú vị như sau: Cùng thực hiện một số tác vụ giống nhau trên hai bản mô phỏng máy tính của hai chiếc điện thoại có chức năng y hệt nhau, chỉ khác về thiết kế trực quan.


Mô phỏng hai bản mẫu trong kiểm tra tính khả dụng
Nguồn: Sách Laws of UX

Kết quả cho thấy:

  • Người dùng đánh giá thiết kế đẹp hơn dễ dùng hơn (thiết kế bên trái)

  • Hơn nữa, thiết kế đẹp mắt còn có ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất thực thi, rút ngắn thời gian hoàn thành tác vụ

Tuy vậy, như phần ý chính có nêu phía trên, thiết kế dễ nhìn có thể che đi các vấn đề về tính khả dụng và cản trở việc phát hiện các vấn đề này trong quá trình kiểm tra tính khả dụng. Để tránh tình trạng này, chúng ta cần kết hợp giữa việc lắng nghe ý kiến người dùng đồng thời quan sát quá trình thực hiện của người dùng thật cẩn thận trong quá trình kiểm tra tính khả dụng.


Thêm vào đó, việc hỏi các câu hỏi định hướng người tham gia cân nhắc vượt trên tính thẩm mỹ có thể giúp phát hiện ra các vấn đề về tính khả dụng, đồng thời giảm thiểu hoặc tránh những ảnh hưởng mà tính hấp dẫn thị giác có thể gây ra đối với kết quả kiểm tra tính khả dụng.


Hiệu ứng cách ly (Von Restorff Effect)

Khi có nhiều đối tượng giống nhau, đối tượng khác biệt với các đối tượng còn lại có nhiều khả năng được ghi nhớ.

Hiệu ứng cách ly - Laws of UX - tổng hợp và tóm tắt bởi tuhocuiux.com
Hiệu ứng cách ly - Nguồn: https://lawsofux.com/von-restorff-effect/

Ý chính:

  • Nhấn mạnh thị giác cho các thông tin hoặc hành động quan trọng.

  • Thận trọng khi nhấn mạnh các yếu tố thị giác, tránh chúng bị "chõi" nhau, đồng thời đảm bảo các mục quan trọng không bị nhầm thành quảng cáo.

  • Tránh dựa dẫm quá nhiều vào màu sắc để thể hiện độ tương phản - điều này này dẫn đến việc thiết kế bị loại trừ hoặc không dành cho người mù màu hoặc thị lực kém.

  • Cân nhắc kỹ khi sử dụng chuyển động để truyền đạt độ tương phản do có những người dùng bị nhạy cảm với các chuyển động.

Đơn giản mà nói, con người sống trong một thế giới nhiều các yếu tố gây nhiễu. Do vậy, sự tập trung cũng bị giới hạn và rút ngắn lại. Độ tập trung có liên quan mật thiết tới trí nhớ ngắn hạn. Điều này rất quan trọng đối với các sản phẩm và dịch vụ số! Giao diện mà người dùng tương tác cần định hướng sự tập trung của người dùng, tránh làm người dùng bị choáng ngợp hoặc bị phân tâm, từ đó giúp họ tìm kiếm thông tin hoặc hành động có liên quan.


Tác giả có đưa ra ba khái niệm tâm lý liên quan: selective attention (chú ý có chọn lọc), banner blindness (mù biểu ngữ), và change blindness (mù thay đổi). Chú ý có chọn lọc, đúng như tên gọi, là hiện tượng tâm lý học nhận thức, trong đó con người chú ý vào các thông tin có ý nghĩa và loại bỏ các thông tin được đánh giá là không liên quan. Hai khái niệm mù biểu ngữ và mù thay đổi đều là ví dụ của chú ý có chọn lọc.


Mù biểu ngữ mô tả hiện tượng người dùng có xu hướng bỏ qua, phớt lờ các thông tin được cho là quảng cáo. Người dùng muốn tập trung vào các tác vụ giúp họ thực hiện được mục tiêu ở các vị trí quen thuộc ví dụ như các yếu tố định hướng, tiêu đề, thanh công cụ tìm kiếm, các đường dẫn, vân vân.


Mù thay đổi mô tả hiện tượng người dùng bỏ lỡ các thay đổi quan trọng nếu thiếu các chỉ dẫn về thị giác đủ mạnh, hoặc khi họ đang tập trung vào một thứ khác.


Ví dụ ứng dụng hiệu ứng cách ly - tổng hợp và tóm tắt bởi tuhocuiux.com
Ví dụ ứng dụng hiệu ứng cách ly - Nguồn: sách Laws of UX

Ví dụ phía trên nằm trên trang báo giá của Dropbox Business. Trong đó, tuỳ chọn Advanced được nhấn mạnh hơn các tuỳ chọn khác bằng cách thêm các dấu hiệu trực quan như sử dụng màu sắc nhằm thu hút chú ý: Best value với nền đen trên cùng, và nút CTA - Try free for 30 days trên nền xanh phía dưới.


Định luật Tesler (Tesler’s Law)

Bất kỳ hệ thống nào cũng có một mức độ phức tạp nhất định không thể giảm bớt.
Định luật Tesler - Tổng hợp và tóm tắt bởi tuhocuiux.com
Định luật Tesler - Nguồn: https://lawsofux.com/teslers-law/

Ý chính:

  • Tất cả các quy trình đều có một sự phức tạp cốt lõi mà không thể lược bỏ và quy trình này phải do hệ thống hoặc người dùng đảm nhận.

  • Đảm bảo giảm tải gánh nặng cho người dùng càng nhiều càng tốt bằng cách xử lý sự phức tạp vốn có trong quá trình thiết kế và phát triển.

  • Chú ý không đơn giản hóa các giao diện đến mức trừu tượng.

Ví dụ: quá trình gửi email

Quá trình gửi email bắt buộc cần có 2 trường thông tin - người nhận và người gửi. Thiếu bất kỳ một trong hai dữ liệu trên, quá trình không thể hoàn thành. Google đã giảm tải gánh nặng nhập thông tin cho người dùng bằng cách:

  • tự động điền thông tin người gửi

  • gợi ý thông tin người nhận khi nhập các ký tự đầu tiên

Ví dụ ứng dụng định luật Tesler - tổng hợp bởi tuhocuiux.com
Ví dụ ứng dụng định luật Tesler - Nguồn: sách Laws of UX

Không chỉ vậy, với sự hỗ trợ của AI, Google đã phát triển tính năng Smart Compose/ Smart Reply với khả năng đưa ra gợi ý nhằm hoàn thành câu dựa trên các cụm từ và mẫu câu được sử dụng nhiều trước đó.

Smart Compose - Ví dụ ứng dụng định luật Tesler - tổng hợp và tóm tắt bởi tuhocuiux.com
Smart Compose - Ví dụ ứng dụng định luật Tesler - Nguồn: sách Laws of UX

Nắm vững định luật Tesler sẽ hỗ trợ designer rất nhiều khi đối mặt với thách thức thuờng gặp khi thiết kế sản phẩm số - làm thế nào để quản lý và giải quyết sự phức tạp trong thiết kế.


Cần lưu ý, không giảm tải tới mức gây khó hiểu. Ví dụ kinh điển cho trường hợp này là việc sử dụng icons. Chúng ta đều biết việc sử dụng icons thay cho text giúp tiết kiệm diện tích, giúp thiết kế tinh gọn hơn. Tuy nhiên icons có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, tuỳ nhận thức và tư duy của người dùng.

Ví dụ Định luật Tesler - ý nghĩa icons - tổng hợp bởi tuhocuiux.com
Một số icons đa nghĩa đối với từng người dùng khác nhau - Nguồn: Sách Laws of UX

Ngưỡng Doherty (Doherty Threshold)

Năng suất tăng khi máy tính và người dùng tương tác với tốc độ <400 mili giây (0.4 giây) để đảm bảo không có thời gian chờ.
Ngưỡng Doherty - tổng hợp và tóm tắt bởi tuhocuiux.com
Ngưỡng Doherty - Nguồn: https://lawsofux.com/doherty-threshold/

Ý chính:

  • Cung cấp phản hồi hệ thống trong vòng 0.4 giây để thu hút sự chú ý của người dùng và tăng năng suất

  • Sử dụng hiệu suất cảm nhận (perceived performance) để cải thiện thời gian phản hồi và giảm cảm giác chờ đợi

  • Hoạt ảnh là một cách để thu hút mọi người một cách trực quan trong khi đang tải hoặc đang xử lý một tác vụ

  • Các thanh tiến trình giúp giảm tải áp lực thời gian chờ, bất kể độ chính xác của chúng

  • Việc cố ý thêm thời gian trễ vào một quy trình thực sự có thể làm tăng giá trị nhận thức của nó và tạo cảm giác tin tưởng, ngay cả khi bản thân quy trình thực sự mất ít thời gian hơn nhiều

Không chỉ là một trong các yếu tố quan trọng đối với SEO, hiệu suất (performance) là một trong các yếu tố quyết định trải nghiệm người dùng trong sản phẩm và dịch vụ số.


Ví dụ:

Một trong các ví dụ điển hình cho việc tối ưu thời gian tải được Medium và đa số các trang blog ngày nay ứng dụng là kỹ thuật làm mờ. Ảnh trước hết sẽ được tải ở định dạng nhẹ nhất dưới hiệu ứng làm mờ Gaussian, và mở rộng dần thành ảnh có chất lượng tốt.

Ví dụ minh hoạ ứng dụng ngưỡng Doherty - Nguồn: Sách Laws of UX
Ví dụ minh hoạ ứng dụng ngưỡng Doherty - Nguồn: Sách Laws of UX

Một ví dụ khác từ Gmail chứng minh việc cung cấp thanh tiến trình có những hiệu quả nhất định như là:

  • Giúp người dùng an tâm rằng hành động của họ đang được xử lý.

  • Cung cấp hình ảnh trực quan trong khi họ chờ đợi.

  • Giảm cảm giác chờ đợi bằng cách chuyển trọng tâm sang hoạt ảnh của thanh tiến trình thay vì quá trình chờ đợi thực tế.

Ví dụ thanh tiến trình tải trang Gmail (Ngưỡng Doherty) - Nguồn: Sách Laws of UX
Ví dụ thanh tiến trình tải trang Gmail (Ngưỡng Doherty) - Nguồn: Sách Laws of UX

Một số các quy tắc tâm lý khác trong thiết kế UX


Hiệu ứng tiệm cận mục tiêu (Goal-Gradient Effect)

Xu hướng tiếp cận mục tiêu tăng lên khi ở gần mục tiêu.

Ý chính:

  • Càng gần hoàn thành tác vụ, người dùng càng thao tác nhanh hơn để đạt được mục tiêu đó.

  • Cung cấp tiến độ giả lập hướng tới mục tiêu sẽ tăng khả năng truyền động lực để người dùng hoàn thành tác vụ đó hơn.

  • Cung cấp một dấu hiệu rõ ràng về tiến độ để thúc đẩy người dùng hoàn thành tác vụ.

Một ví dụ có thể minh hoạ về việc ứng dụng hiệu ứng tiệm cận mục tiêu là việc chia bảng khảo sát (survey) thành các phần nhỏ, giúp người dùng có thêm động lực để hoàn thành.


Định luật vùng chung (Law of Common Region)

Các yếu tố có cùng một khu vực ranh giới xác định rõ ràng có xu hướng được nhận thức thành cùng nhóm.

Ý chính:

  • Vùng chung giúp xây dựng cấu trúc rõ ràng, khiến người dùng nhanh chóng hiểu được mối quan hệ giữa các phần và các khu vực trong thiết kế.

  • Thêm đường viền xung quanh một phần tử hoặc một nhóm phần tử là một cách dễ dàng để tạo vùng chung.

  • Vùng chung cũng có thể được tạo bằng cách thêm nền đằng sau một phần tử hoặc một nhóm phần tử.

Trước khi thêm nhiều đường viền và hình nền vào một thiết kế để phân nhóm, cần cân nhắc xem có thực sự cần thiết không? Liệu có thể phân nhóm bằng cách thêm hoặc bớt khoảng trắng không? Người dùng có bị nhầm lẫn trong quá trình kiểm tra tính khả dụng khi không có các dấu hiệu này không?


Ví dụ: Như hình ảnh dưới đây, thanh công cụ đầu trang và chân trang của trang dưới đây được phân biệt với nhau và với phần nội dung bằng cách thêm màu sắc.

Ví dụ ứng dụng định luật vùng chung - Nguồn: NNGroup
Ví dụ ứng dụng định luật vùng chung - Nguồn: NNGroup

Định luật tiệm cận - Law of Proximity

Các đối tượng ở gần, hoặc tương đương nhau, có xu hướng được nhóm lại với nhau.


Ý chính:

  • Tính tiệm cận giúp thiết lập mối quan hệ với các đối tượng ở gần nhau.

  • Các yếu tố gần nhau được coi là có chung chức năng hoặc đặc điểm.

  • Tính tiệm cận giúp người dùng hiểu và sắp xếp thông tin nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Ví dụ: Sử dụng khoảng cách là một phương pháp tốt để nhóm các đoạn văn có liên quan và tiêu đề. Người dùng có thể dế dàng hiểu được đoạn văn nào thuộc về tiêu đề nào ngay cả khi không có văn bản.

Ví dụ ứng dụng quy luật tiệm cận - Nguồn: NNGroup
Ví dụ ứng dụng quy luật tiệm cận - Nguồn: NNGroup

Ứng dụng định luật vùng chung và định luật tiệm cận hiệu quả có thể giúp thiết kế có hệ thống phân cấp trực quan tốt, định hướng người dùng dễ dàng hơn.


Lời cuối

Trên đây là tổng hợp, tóm tắt và review sách Laws of UX - các quy tắc tâm lý có thể ứng dụng trong thiết kế trải nghiệm người dùng. Hiểu được các quy tắc tâm lý này có thể giúp chúng ta - các nhà thiết kế UI/UX - đưa ra các quyết định thiết kế có cơ sở, mang tính thuyết phục, ngay cả trong điều kiện thiếu các dữ liệu nghiên cứu người dùng.




4.044 lượt xem5 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page